VIÊM XOANG - NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

 
VIÊM XOANG - NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

     Viêm xoang là một bệnh lý tai mũi họng khá phổ biến ở các nước khí hậu nhiệt đới gió mùa, vì môi trường khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các loài vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh sinh sôi và phát triển. Việt Nam là một trong những nước có số lượng người mắc bệnh viêm xoang khá cao. Cuộc Sống Việt mời bạn đọc cùng tìm hiểu về bệnh Viêm xoang - Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa qua bài viết sau đây:

1. Viêm xoang là gì?

     Xoang là các hốc rỗng nằm trong khối xương sọ (các hốc rỗng sau trán, mũi, gò má và giữa hai mắt). Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm lớp niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi. Bình thường lớp niêm mạc hô hấp này sạch sẽ và chứa đầy không khí, khi bị viêm xoang nó trở nên phù nề gây tăng tiết dịch nhầy và làm thu hẹp các hốc xoang khiến chất dịch nhầy khó thoát ra ngoài gây nên tình trạng tắt xoang (xoang bị tắc nghẽn). 
     Bệnh viêm xoang gây nhiều triệu chứng khó chịu cho cơ thể và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Nếu bệnh kéo dài không sớm điều trị có thể tiến triển thành mạn tính gây ra những biến chứng nghiêm trọng liên quan vùng mắt, não… nguy hiểm đến tính mạng. 


2. Phân loại viêm xoang

     Phân loại dựa vào thời gian mắc bệnh, bao gồm:
     - Viêm xoang cấp tính: có các triệu chứng của cảm lạnh như: nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, chảy mũi, đau đầu, đau nhức vùng mặt, sốt, khứu giác bớt nhạy... Bệnh không kéo dài quá 4 tuần.
     - Viêm xoang bán cấp:  kéo dài hơn 4 tuần đến 8 tuần.
     - Viêm xoang mạn tính: kéo dài hơn 8 tuần.
     - Viêm xoang tái phát: tái phát nhiều đợt trong năm.

     Phân loại dựa vào vị trí viêm, bao gồm:
     - Viêm xoang hàm trên: xoang hàm trên là xoang cạnh mũi lớn nhất trong các xoang mặt, nằm sau xương gò má. Bệnh nhân bị sưng quanh mắt và má, đau nhức vùng mặt, đôi khi đau đầu.
     - Viêm xoang sàng: xoang sàng nằm sau mặt, sâu trong hốc mũi. Bệnh nhân ho kéo dài và bị chảy dịch mủ, đau nhức đầu ở vùng gáy.
     - Viêm xoang trán: xoang nằm ở vùng trán, bệnh nhân bị đau nhức vùng giữa trán sau đó lan sang thái dương, kèm đau nhức vùng hốc mắt nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng.
     - Viêm xoang bướm: xoang bướm nằm trong thân của xương bướm, gồm 6 thành: thành trước, thành sau, thành trên, thành dưới, hai thành bên. Bệnh nhân bị sốt cao, rét run, nhức đầu, đau gáy, dịch tràn qua đường mũi - họng. Viêm lan nhanh ra hai bên mắt, khả năng tử vong rất cao.
     - Viêm đa xoang: là viêm một hoặc nhiều xoang cùng lúc có thể do viêm từ một xoang lây lan sang các xoang khác.

3. Triệu chứng của viêm xoang

     Bệnh nhân viêm xoang thường có những triệu chứng như:
     - Đau nhức vùng trán hoặc khu vực gò má.
     - Nghẹt mũi kéo dài, khó thở (đôi khi phải thở bằng miệng).
     - Giảm khứu giác.
     - Chảy dịch mũi xuống họng.
     - Nước mũi đặc, dịch mũi màu vàng xanh.
     - Ho.
     - Nhức đầu, nặng đầu.
     - Nhiệt độ cơ thể cao.
     - Đau răng.
     - Hôi miệng và hơi thở.


4. Nguyên nhân viêm xoang

     Một số nguyên nhân chính dẫn đến viêm xoang:
     - Không khí bị ô nhiễm, bụi, thuốc lá, khói,… là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong các xoang làm tổn thương lớp niêm mạc xoang, chất nhầy ứ đọng quá nhiều trong xoang cản trở dẫn lưu không khí (tắt xoang) gây ra viêm xoang.
     - Cơ thể bị dị ứng một số chất nào đó làm cho niêm mạc mũi sưng phù, lỗ thông xoang tắc nghẽn và nhiễm trùng.
     - Hệ miễn dịch suy yếu, sức đề kháng kém không đủ để chống lại vi khuẩn, nấm.
     - Tổn thương niêm mạc xoang sau chấn thương.
     - Hậu quả của các bệnh liên quan đến răng miệng.
     - Trước đây bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các bệnh có liên quan đến đường hô hấp.
     - Polyp mũi: là những u nhỏ lành tính hình thành từ các mô mũi hoặc xoang, làm tắc nghẽn các hốc xoang, ngăn cản dòng chảy dịch mũi và gây nhiễm trùng xoang.
     - Lệch vách ngăn ở mũi.
     - Hút thuốc lá.


5. Điều trị viêm xoang

     - Thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen) có tác dụng giảm đau đầu, giảm đau những vùng trán và gò má; thuốc kháng sinh (phải có chỉ định của bác sĩ); thuốc tan đàm; thuốc co mạch tại chỗ; thuốc chống dị ứng; thuốc dân gian như cỏ cây cứt lợn (cỏ hôi).
     - Dùng thuốc xịt mũi, nước muối sinh lý để rửa mũi; uống nhiều nước và nước trái cây để làm loãng dịch nhầy.
     - Phẫu thuật: có thể can thiệp viêm xoang bằng phẫu thuật nếu các biện pháp điều trị trên không hiệu quả.

Cây cứt lợn có công dụng hỗ trợ điều trị viêm xoang

6. Phòng ngừa viêm xoang

     Rèn luyện lối sống sinh hoạt lành mạnh hằng ngày giúp phòng ngừa viêm xoang:
     - Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, tránh để cho mũi tiếp xúc với bụi bẩn: đeo khẩu trang khi đi đường, tránh tiếp xúc khói thuốc lá,…
     - Rửa tay sạch sẽ thường xuyên.
     - Không hút thuốc lá.
     - Không uống rượu, bia và thức uống có cồn.
     - Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.
     - Uống nhiều nước mỗi ngày.
     - Kê gối cao đầu vừa phải khi nằm, ngủ.
     - Tránh các tác nhân gây dị ứng: lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa, hóa chất, thức ăn,…
     - Khi đi tắm hoặc đi bơi bị nước vào mũi hoặc vào tai thì phải nhanh chóng loại bỏ nước ra ngoài.

     Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin cần thiết về Viêm xoang – Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa, giúp bạn đọc trang bị thêm nhiều điều hữu ích cho cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn. 

Nhật Tiến

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn