CHIẾC THUYỀN KHÔNG (HƯ THUYỀN)
Có chiếc đò qua sông, bị một chiếc thuyền không trôi dạt đụng phải. Người chủ đò dù có hẹp lòng đến đâu, cũng không giận.
Nếu chiếc thuyền kia có người, thì đã thấy người chủ đò giận dữ, phùng trợn. La lối một hồi mà bên thuyền kia chẳng ai nghe, tất la lối đến lần hai. Hai lần mà vẫn chẳng có ai nghe, tất la lối đến ba lần, rồi buông lời chửi mắng.
Trước không giận mà nay lại giận, là vì sao? Vì trước thì không có người mà nay thì lại có người. Nếu biết dùng cái lòng trống không mà đối xử với đời, thì ai mà hại mình?
(Nam Hoa Kinh - Trang Tử)
Lời bàn Nếu gặp phải người say mắng ta, ta không giận, mà nếu ta biết người mắng ta là người tỉnh thì ta lại giận, là tại sao? Là vì ta tưởng người say vô tâm, mà người tỉnh thì ta tin là hữu tâm vậy.
Nếu suy xét kỹ lưỡng, thì người người ở đời có thật sự hữu tâm trong từng hành vi tư tưởng của mình chăng? Có ai dám tin tưởng tuyệt đối rằng mình là người hoàn toàn tự chủ trong mọi hoạt động hằng ngày của mình? Những kẻ phỉ báng ta, làm hại ta, tất nhiên đều là những kẻ còn mù mờ về lợi hại, mê mệt về lẽ phải quấy ở đời mà phần nhiều hành động như người trong cơn mê mộng…
Trong hoàn vũ đâu chỉ có con người là sinh vật tồn tại duy nhất, mà vạn sự vạn vật liên hệ rất mật thiết với nhau không thể tách rời. Như vậy thì hành động của ta biết đâu lại không phải là hành động vô tâm của “chiếc thuyền không”? Mà hành động của người thì cũng là “chiếc đò không”? Vậy tại sao lại phải bực tức giận dữ làm gì khi bị kẻ khác chạm vào cái lòng tự ái của mình?
Dùng cái lòng trống không mà xử sự thì việc đời làm sao đến nỗi đa đoan? Tại sao lại không biết làm như người chủ đò khi bị một chiếc thuyền không đụng phải? Chiếc thuyền vô tâm mà đụng chứ nào phải ai cố ý đâm vào chiếc đò của mình. Đã biết là như vậy, thì tìm cách đẩy chiếc thuyền kia ra ngoài, dù lòng có hẹp lượng đến đâu cũng không đến nỗi bực tức giận dữ. Tinh thần mà đạt đến chỗ trống không, tức là cái vô ngã, thì thực là đã rốt ráo cái đạo xử thế rồi vậy.
Nguyên Minh