Mấy ngày nay dư luận xã hội đang xôn xao và rất bức xúc với một câu chuyện khá ngược đời và hy hữu. Đó là sự việc anh Ngô Văn Chính, lái xe Ford bán tải 14C – 104.18 - một người đi đường đã cứu giúp nạn nhân bị tai nạn giao thông là bà Phạm Thị Thang (thôn 7, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh) và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau đó, thay vì được gia đình người bị nạn cảm ơn, anh Ngô Văn Chính lại bị người nhà bà Thang viết đơn kiện vì cho rằng anh chính là thủ phạm gây ra vụ tai nạn. Công an huyện Vân Đồn đã triệu tập anh Chính lên để điều tra sự việc khiến anh và gia đình đã vô cùng bức xúc.
Cũng khá may là sau khi chị Vân Anh (vợ anh Chính) đăng tải toàn bộ sự việc lên mạng xã hội facebook thì đã tìm được anh Nguyễn Trung Đức (thôn 13, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh) – là người trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn và đã vẫy xe anh Chính khi đó đi ngang qua, để nhờ đưa bà Thang đến bệnh viện cấp cứu. Anh Đức đã cùng anh Chính đến cơ quan chức năng để làm việc với tư cách là người làm chứng. Cơ quan công an hiện vẫn đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra có đủ căn cứ kết luận anh Ngô Văn Chính chỉ là người đưa giúp bà Thang đến bệnh viện, chứ không phải là thủ phạm của vụ tai nạn giao thông, dĩ nhiên người nhà bà Thang đã có dấu hiệu của tội vu khống.
Từ trước đến nay, có lẽ sự việc “dở khóc dở cười” của anh Chính kể trên cũng không phải là trường hợp duy nhất. Vì thế đã có không ít trường hợp người bị tai nạn giao thông không được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã bị tử vong. Nguyên nhân không phải vì mọi người tham gia giao thông, ai cũng vô cảm hay không muốn cứu giúp những người bị nạn, mà hầu hết họ bị tâm lý biết đâu “làm phúc phải tội” như trường hợp của anh Chính nên họ đã lảng tránh. Vậy, để giúp được người bị nạn cấp cứu kịp thời và tránh được những phiền phức không đáng có, có lẽ mỗi chúng ta cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết sau:
- Trước tiên khi phát hiện ra có người bị tai nạn giao thông nên hô hoán to để mọi người xung quanh biết và cùng cứu giúp.
- Gọi điện số 115 để kịp thời sơ cấp cứu người bị nạn.
- Gọi điện số 113 để báo cho công an về vụ tai nạn.
- Nếu chứng kiến trực tiếp thì cố gắng chụp lại biển số của xe gây tai nạn bỏ chạy.
- Nếu muốn đưa người bị nạn đến bệnh viện cấp cứu, nên nhờ người quay video lại hiện trường và quá trình đưa người bị nạn lên ô tô cấp cứu. Nhớ lấy số điện thoại của một vài người chứng kiến sự việc khi đó.
- Nếu người bị nạn vẫn tỉnh thì bấm điện thoại để người bị nạn thông báo cho người nhà biết. Sau đó nói rõ với người thân của họ là mình chỉ là người đưa giúp người bị nạn đi cấp cứu mà thôi.
Cuộc Sống Việt tin rằng, khi bạn đã trang bị cho mình những kỹ năng nêu trên, bạn vừa có thể cứu giúp được những người bị nạn thoát khỏi tử vong, vừa tránh được việc có thể chính mình vi phạm pháp luật khi cố tình không cứu giúp người bị tai nạn, mà điều đó đã được qui định rất rõ ràng trong luật pháp.
Trung Hiếu