Nấm móng là tình trạng nhiễm trùng móng phổ biến hiện nay, hiếm gặp ở trẻ em, dấu hiệu của nấm móng là vùng quanh móng tay hoặc móng chân bắt đầu nổi những đốm trắng hoặc vàng, trường hợp nhiễm nấm sâu hơn móng có thể bị đổi màu, dày lên, giòn và vỡ vụn ở vành. Cuộc Sống Việt mời bạn đọc cùng tìm hiểu về Nấm móng - Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa qua bài viết sau đây:
1. Nấm móng là gì?
Nấm móng là hiện tượng nhiễm trùng móng do vi nấm tấn công. Bệnh thường gặp ở những người bị ẩm ướt tay chân thường xuyên, bệnh không có khả năng tự khỏi nhưng nếu ở mức độ nhẹ và không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì không cần điều trị, nấm có thể lây từ móng bị nhiễm sang móng lành.
Vi nấm làm móng bị hư hoại xấu xí, có khi nung mủ, đôi lúc gây đau ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Nhiễm nấm móng thường khó điều trị, trường hợp chữa khỏi nấm móng vẫn có nguy cơ tái phát.
2. Nguyên nhân hình thành nấm móng
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm móng là do các vi sinh vật nấm phát triển trên da, phổ biến nhất là một loại vi nấm có tên gọi Trichophyton. Nấm bám bên dưới móng, phát triển làm hư móng. Các yếu tố tăng khả năng nhiễm trùng móng như:
- Môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi nấm sinh sôi và phát triển, vì vậy người bị phong thấp thường hay đổ mồ hôi tay chân hoặc người do công việc phải thường xuyên tiếp xúc với nước rất dễ bị nấm móng. Đi chân trần ở những nơi ẩm ướt như nhà tắm công cộng, hồ bơi sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm nấm móng.
- Tiếp xúc: sử dụng chung các vật dụng các nhân như khăn lau, vớ, bao tay, quần áo,… với người bị nấm móng rất dễ bị lây bệnh.
- Bệnh lý: người bị một số bệnh lý như tiểu đường, suy giảm miễn dịch, rối loạn mạch máu, nhiễm HIV, người ghép tạng… cũng rất dễ bị nấm móng.
Nấm Trichophyton là nguyên nhân chính gây ra bệnh nấm móng
3. Triệu chứng của nấm móng
Khi vi nấm trên da bắt đầu phát triển, móng bị nhiễm nấm sẽ có những thay đổi về màu sắc, hình dáng trước tiên ở đầu móng và hai cạnh bên, sau đó dần tiến sâu vào bên trong. Các dấu hiệu của nhiễm nấm móng gồm có:
- Móng dày lên, bề mặt móng sần sùi không còn độ bóng, một lớp vảy mịn như cám có rãnh ngang dọc phủ lên móng;
- Móng mất màu sắc tự nhiên và chuyển sang màu vàng hoặc nâu;
- Móng trở nên giòn, không còn cứng và dễ bị vụn vỡ;
- Nhiều bột vụn và chất bẩn gồm vi nấm ở bên dưới móng gây mùi hôi khó chịu;
- Móng bị teo, mòn dần từ hai bờ đến chân móng;
- Trường hợp nặng, vùng da quanh móng bị sưng đỏ và đau nhức, có mủ màu trắng hoặc vàng;
4. Điều trị nấm móng
- Thuốc bôi tại chỗ, gồm các loại như: Fluconazole, Ketoconazole, Clotrimazole, Terbinafine, Exoderil, Canesten, … Bôi 2 – 3 lần/ ngày lên vùng bị tổn thương sau khi đã được rửa và cạo sạch;
- Thuốc uống, chủ yếu là Itraconazole, ngoài ra còn có các loại Griséofulvine (chỉ có tác dụng trên nấm sợi tơ), Clotrimazole, Ketoconazole, Terbinafine, Fluconazole,... Thuốc uống phải được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn và chỉ định, tuyệt đối không được dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người viêm gan cấp. Trong suốt thời gian dùng thuốc không được uống rượu bia và các loại thuốc uống có cồn khác để đảm bảo cho gan không bị ảnh hưởng.
Thời gian điều trị ít nhất là 3 - 6 tháng, có trường hợp kéo dài đến 12 tháng, đó là thời gian cần thiết để thay toàn bộ móng mới. Nấm móng tuy không nguy hiểm nhưng mất thẩm mỹ và mất vệ sinh, nếu để lâu không điều trị thì vi nấm sẽ phát triển và lây lan sang các móng khác khiến cả bàn tay hoặc bàn chân đều bị nhiễm nấm, khi bệnh nặng hơn sẽ gây đau đớn ảnh hưởng đến sinh hoạt. Vì vậy nên điều trị sớm, tuyệt đối không để bệnh nặng mới điều trị.
Hiện nay, ngoài biện pháp dùng thuốc điều trị, liệu pháp sử dụng laser ánh sáng hồng ngoại để diệt vi nấm và phẫu thuật nấm móng được lựa chọn nhằm tránh tác dụng phụ và rủi ro khi dùng thuốc kháng nấm.
5. Phòng ngừa nấm móng
- Giữ bàn tay, bàn chân luôn khô ráo, sạch sẽ. Đeo bao tay nếu công việc phải thường xuyên tiếp xúc với nước. Không ngâm tay chân lâu trong nước. Rửa sạch và lau khô tay chân sau mỗi lần làm việc trong môi trường ẩm ướt.
- Không dùng chung vật dụng sinh hoạt cá nhân với người khác.
- Giặt sạch vớ (tất) sau mỗi lần sử dụng, không dùng một đôi vớ liên tục từ ngày này qua ngày khác.
- Cắt tỉa móng đều đặn, không nên để móng quá dài.
- Có thể bôi bột kháng nấm vào giày để ngăn nấm phát triển.
- Vệ sinh tay chân bằng xà phòng mỗi ngày, tránh tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất.
Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin cần thiết về bệnh Nấm móng - Nguyên nhân, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa, giúp bạn đọc trang bị thêm kiến thức ích cho cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.
Hồng Hải