MỤC CÓC - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

     Mụn cóc là những nốt sần sùi trên da xuất hiện do tăng sinh tế bào, gây ra bởi virus HPV. Mụn cóc không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thường không gây đau. Tuy nhiên cũng có một số loại mụn cóc gây ngứa và đau, đặc biệt là mục cóc nổi ở chân. Mụn cóc thông thường tự biến mất sau một thời gian. Để tìm hiểu kỹ hơn về mụn cóc, Cuộc Sống Việt xin gửi tới bạn đọc bài viết Mụn cóc - Nguyên nhân và cách điều trị sau đây:

MỤC CÓC - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ


1. Nguyên nhân gây ra mụn cóc

     Mụn cóc hình thành do một loại virus u nhú ở người ký sinh vào da có tên gọi là Human Papiloma Virus (HPV). Loại virus này có hơn 100 chủng khác nhau khá phổ biến, trong đó chỉ có một vài chủng là nguyên nhân chính gây ra mụn cóc
     Virus HPV ký sinh vào da qua hình thức truyền nhiễm chủ yếu là da tiếp xúc trực tiếp với da hoặc thông qua việc dùng chung các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như khăn lau, giày dép, dụng cụ cầm tay.
     Một số chủng virus HPV khác có khả năng lây qua đường tình dục. Virus HPV thường thông qua các vết thương hở trên da để xâm nhập vào cơ thể, như vùng da bị trầy (sây sát), vết cào, vết xước xung quanh móng tay. 


     Mụn cóc sẽ hình thành và phát triển khi da bắt đầu tiếp xúc với virus HPV. Tùy theo hệ miễn dịch của mỗi người mà sẽ có các cách phản ứng khác nhau khi xảy ra tiếp xúc, do đó không phải ai cũng đều bị mụn cóc khi tiếp xúc với virus.

2. Các dạng mụn cóc

     Có rất nhiều loại mụn cóc khác nhau, tùy vào vị trí mụn nổi trên da và hình dạng hột mụn mà mụn cóc được phân thành các loại như sau:
     - Mụn cóc thông thường: Mụn xuất hiện ở ngón tay, bàn tay, ngón chân hoặc bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Mụn có hình dạng tròn, sần sùi, mụn thịt nhỏ nổi trên da, thô cứng khi chạm vào, thường có màu xám, ở đỉnh có phần nhọn.


Mục cóc thông thường

     - Mụn cóc phẳng: Mụn thường xuất hiện ở trán, đùi hoặc cánh tay, cũng có khi xuất hiện trên mặt, hình dạng mụn nhỏ, thường có màu vàng, hồng hoặc hơi xanh.

Mục cóc phẳng

     - Mụn cóc Plantar: Mụn thường xuất hiện dưới lòng bàn chân, hình dạng một lỗ tròn nhỏ, có chấm đen ở giữa, được bao quanh bởi một vòng da cứng. Mụn gây đau đớn khiến cho việc đi lại gặp khó khăn.
Mục cóc Plantar

     - Mụn cóc sợi: Mụn thường mọc xung quanh mũi, miệng, ở dưới cằm và có màu giống như màu da.
Mục cóc sợi

- Mụn cóc dạng khảm: mụn có màu trắng, kích thước bằng đầu đinh ghim. Chúng thường mọc trên bàn chân hoặc dưới ngón chân, có thể lan rộng và bao phủ các khu vực lớn hơn trên toàn bộ lòng bàn chân.

Mục cóc dạng khảm

    - Mụn cóc quanh móng tay hoặc móng chân: mụn ảnh hưởng và làm cho móng không thể phát triển.
     - Mụn cóc sinh dục: mụn thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục, vùng mu và giữa hai đùi.
       

3. Điều trị mụn cóc

     Mụn cóc đa phần sẽ tự biến mất sau 6 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện mà không để lại dấu vết gì. Trường hợp này chủ yếu gặp ở trẻ em và thường ít xảy ra.
     Mụn cóc nếu để lâu ngày thường có khuynh hướng lây lan ra các vùng da khác trên cơ thể làm mất thẩm mỹ hoặc gây khó khăn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy cần thiết thực hiện các biện pháp điều trị triệt để mụn cóc càng sớm càng tốt. 
     Có nhiều cách chữa trị mụn cóc tùy thuộc vào loại mụn cóc, vị trí mụn trên cơ thể, số lượng, mức độ lan rộng của mụn mà bác sĩ sẽ chỉ định chữa trị theo một trong những cách sau:

Thuốc bôi 
     Các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Axit Salicylic, Tretinoin, Imiquimod có tác dụng làm tiêu hủy, loại bỏ từng lớp mụn cóc, bong tróc các tế bào sừng. Biện pháp bôi thuốc phải mất nhiều tuần mới có thể làm biến mất hoàn toàn mụn cóc

Đóng băng (chấm Nitơ lỏng)
     Mục đích của việc chấm Nitơ lỏng là để đóng băng mụn cóc. Các mô chết bị đóng băng sẽ bong ra trong vòng tối thiểu một tuần. Thực hiện lặp lại vài lần, mỗi lần cách nhau khoảng một tuần. Liệu pháp áp lạnh này sẽ làm đổi màu da và ít để lại sẹo ở vị trí chấm nhưng thường làm đau bệnh nhân trong nhiều ngày sau khi chấm và có thể gây ra phồng nước. Do đó trường hợp điều trị mụn cóc ở trẻ nhỏ thường không dùng đến biện pháp này.

Tiểu phẫu
     Ưu điểm của tiểu phẫu là nhanh chóng loại bỏ được mụn cóc, có thể khoét sâu để cắt bỏ hoàn toàn rễ mụn nên sẽ không bị tái lại, không bị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ gây tê xung quanh vùng da bị nổi mụn cóc, sau đó thực hiện mổ và cắt bỏ mụn. Bệnh nhân sẽ bị đau chỗ vết mổ trong vài ngày đầu, thời gian này nên kết hợp uống thuốc giảm đau, có thể sẽ để lại sẹo sau điều trị. 


Đốt mụn cóc bằng tia laser
     Đốt bằng tia laser đối với mụn cóc ở các vị trí khó tiểu phẫu, ưu điểm của việc đốt laser là nhanh chóng, có thể khoét sâu để lấy hết rễ mụn nên sẽ không bị tái lại. Tuy nhiên thời gian để lành vết thương sẽ lâu hơn tiểu phẫu, dễ bị nhiễm trùng, vì thế phải chăm sóc vết thương kỹ lưỡng.

Lưu ý:
     - Không cắn móng tay khi mụn cóc nổi ở khóe móng hoặc vùng xung quanh móng.
    - Không chạm vào mụn cóc vì nó có khả năng lây lan qua tiếp xúc da. Nếu lỡ tay chạm vào mụn cóc thì phải rửa tay sạch sẽ và luôn giữ bàn tay khô ráo vì môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho virus HPV phát triển.
     - Không gãi, cạo, nại, cắt mụn cóc để tránh lây lan virus.
    - Tuyệt đối không tự ý chữa trị mụn cóc theo các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng khoa học.

4. Phòng ngừa mụn cóc

     Thực tế, không có biện pháp cụ thể để phòng ngừa mụn cóc, mà chỉ có cách ngăn chặn lây nhiễm mụn cóc từ trong những sinh hoạt hằng ngày như:
     - Không dùng chung những đồ dùng sinh hoạt như: khăn lau, giày dép, vớ, dụng cụ cầm tay, dụng cụ cắt móng,…
     - Ở những nơi công cộng nên hạn chế đi chân trần.
     - Rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với người bị mụn cóc.
Tiêm vắc-xin HPV giúp ngăn ngừa mục cóc và hạn chế nguy cơ mắc một số loại u nhú khác cũng do virus HPV gây ra.


Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin cần thiết về Mụn cóc - Nguyên nhân và cách điều trị, giúp bạn đọc trang bị thêm vài điều hữu ích cho cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn. 
Thanh Duy

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn