NGHIẾN RĂNG KHI NGỦ - NGUYÊN NHÂN, TÁC HẠI VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

     Nghiến răng khi ngủ là hoạt động của hai hàm răng siết chặt rất mạnh vào nhau tạo nên những âm thanh to lớn xảy ra trong lúc ngủ mà người ngủ không hề hay biết. Theo thống kê cho thấy có khoảng 10 – 20% dân số mắc phải tình trạng này. Khả năng bị ngừng thở khi ngủ đối với người nghiến răng khi ngủ cao hơn đối với người ngủ ngáy. Cuộc Sống Việt xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghiến răng khi ngủ - Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục sau đây:

NGHIẾN RĂNG KHI NGỦ - NGUYÊN NHÂN, TÁC HẠI VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

1. Hội chứng nghiến răng khi ngủ

     Nghiến răng khi ngủ là một tình trạng rối loạn vận động trong giấc ngủ khiến hai cơ hàm răng siết chặt, ghì và nghiến vào nhau tạo ra những âm thanh ken két rất khó chịu. 
     Nghiến răng khi ngủ được định nghĩa là “hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi sự nghiến hoặc siết chặt của răng và/hoặc bởi sự đẩy và giằng của hàm dưới”, có thể tạo nên những âm thanh ken két hoặc không.
     Nghiến răng khi ngủ có thể gây tổn thương khớp cắn, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của cơ, rồi tác động và làm đau hoặc làm rối loạn khớp thái dương hàm.
    Âm thanh nghiến răng của người ngủ thường gây khó chịu cho những người xung quanh. Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải tình trạng nghiến răng khi ngủ, thậm chí cả những người có sức khỏe tốt. Chứng nghiến răng khi ngủ thường gặp ở những người trẻ tuổi và khả năng tự mất khi tuổi đã cao.

2. Nguyên nhân của tình trạng nghiến răng khi ngủ

     Đến nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân thực sự của hội chứng nghiến răng khi ngủ, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng này có thể bắt nguồn từ các yếu tố sau đây hoặc sự kết hợp của chúng:
     - Stress, căng thẳng, lo lắng, thất vọng, tức giận: các yếu tố tâm lý là tác nhân ảnh hưởng đáng kể. Trạng thái căng thẳng được xem là yếu tố chính. Căng thẳng kèm theo lo âu có thể kích ứng các hoạt động của não bộ gây ra các phản ứng của chứng nghiến răng khi ngủ.


     - Di truyền: những ai có thành viên trong gia đình là người đã từng hoặc đang mắc hội chứng nghiến răng khi ngủ cũng có nguy cơ mắc phải hội chứng này. Các nghiên cứu nha khoa cho thấy có hơn 20% người mắc hội chứng nghiến răng khi ngủ cũng có người thân trong gia đình mắc hội chứng này.
    - Thuốc an thần và các loại chất kích thích: một số tác dụng phụ của các loại thuốc an thần có thể dẫn tới nghiến răng khi ngủ. Rượu, bia, thuốc lá và các loại thức uống có chứa caffeine hoặc các chất kích thích khác có khả năng tăng nguy cơ mắc phải chứng nghiến răng khi ngủ.
     - Dị ứng: những người đang mắc các bệnh lý dị ứng, như: rối loạn tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng đường ruột hoặc dị ứng thức ăn.
     - Những người bị lệch khớp cắn có nguy cơ nghiến răng khi ngủ.
     - Tư thế ngủ cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng nghiến răng khi ngủ.
     - Những người bị mắc các chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh như: bệnh parkinson, bại não, động kinh, bệnh down, nhiễm khuẩn màng não, rối loạn thần kinh, mất trí nhớ…
      - Những người bị trào ngược dạ dày cũng có nguy cơ nghiến răng khi ngủ.

3. Tác hại của nghiến răng khi ngủ

     Nghiến răng khi ngủ không quá nguy hiểm đến sức khỏe của người nghiến răng và có thể chỉ xuất hiện một vài lần. Tuy nhiên ở một vài trường hợp tình trạng này kéo dài không có dấu hiệu chấm dứt có thể dẫn tới nhiều biến chứng như: 
    - Tổn thương xương hàm, tổn thương răng, bào mòn lớp men răng, ảnh hưởng tới các phục hình răng, thậm chí răng bị gãy, mòn hoặc sứt mẻ nếu nghiến quá nhiều.
     - Rối loạn khớp thái dương hàm.
     - Tăng nguy cơ bị sâu răng.


     - Nguy cơ cao dẫn đến ngưng thở khi ngủ.
    - Mặt bị biến dạng, cơ hàm hoạt động quá nhiều khiến các cơ mặt cũng phải hoạt động theo dẫn đến bị chảy sệ, sưng phù.
     - Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: đau - nhức đầu, căng đầu.
     - Đau hàm nặng, đau mặt.

4. Khắc phục tình trạng nghiến răng khi ngủ

     Chứng nghiến răng khi ngủ nếu ở mức độ nhẹ, ít thì không cần điều trị, có thể tự mất sau một thời gian ngắn. Nếu ở mức độ nặng và nhiều, có khả năng ảnh hưởng đến răng hàm như đau ở vùng trước tai, lệch khớp cắn, cứng cơ hàm, mòn răng thì cần phải thực hiện các biện pháp điều trị:
     - Giảm stress: thực hiện các phương pháp bồi dưỡng sức khỏe tinh thần như thể thao, khí công, thư giãn…Luyện tập ngủ nghỉ đúng giờ và đủ giấc, massage cơ mặt.


      - Hạn chế ăn nhiều vào buổi tối.
     - Sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ điều trị nghiến răng khi ngủ, như: thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, tiêm botox.
     - Khám bác sĩ nha khoa để được chẩn đoán và điều trị theo phương pháp chuyên môn nếu bị nghiến răng khi ngủ do lệch khớp cắn hoặc từ các vấn đề về răng miệng gây ra.
     - Không uống café, trà, rượu, bia, các chất kích thích, không hút thuốc nhất là vào ban đêm trước khi đi ngủ.


     - Sử dụng máng chống nghiến để bảo vệ răng tránh những tổn thương do nghiến, siết chặt gây ra, chống mòn răng.

     Tuy nghiến răng khi ngủ không quá nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh và gây ra các tác hại nghiêm trọng đối với răng miệng. Vì vậy, người mắc hội chứng này cần tích cực điều trị cùng với việc tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh nhằm ngăn ngừa tình trạng này tái phát.

     Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin cần thiết về tình trạng nghiến răng khi ngủ và cách khắc phục, giúp bạn đọc trang bị thêm vài điều hữu ích cho cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. 
Thanh Duy

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn