HƯỚNG DẪN CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ BỎNG

     Trong đời sống sinh hoạt và lao động hằng ngày, bỏng là một tai nạn khá phổ biến, có thể xảy ra chỉ vì một sơ xuất nhỏ. Tùy thuộc vào tác nhân gây bỏng và mức độ vết bỏng mà chúng ta có các cách xử trí khác nhau. Mỗi người cần thiết trang bị những kiến thức xử trí ban đầu khi bị bỏng để giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Cuộc Sống Việt xin gửi tới bạn đọc bài viết Hướng dẫn cách sơ cứu khi bị bỏng theo từng nguyên nhân sau đây:

HƯỚNG DẪN CÁCH SƠ CỨU KHI BỊ BỎNG

1. Nguyên nhân gây bỏng

     Nguyên nhân chính gây bỏng có 4 nhóm:
     - Bỏng nhiệt độ
      + Bỏng ướt: bỏng nước sôi, bỏng dầu mỡ, bỏng do thức ăn, bỏng hơi nước.
      + Bỏng khô: bỏng bô xe máy, bỏng lửa, bỏng kim loại hoặc bỏng tia lửa điện.
    - Bỏng điện: luồng điện dẫn truyền qua cơ thể gây bỏng. Bỏng điện thường do bị điện giật hoặc bị sét đánh, bỏng do nguồn điện sinh hoạt hoặc điện công nghiệp.
     - Bỏng hóa chất
    + Bỏng do axit: các loại axit có thể gây bỏng chẳng hạn như axit sunfuric (H2SO4), axit clohydric (HCL), axit nitric (HNO3),...
    + Bỏng do bazơ: như NaOH, KOH, Ca(OH)2. Vôi đang tôi là một loại chất gây bỏng vừa do sức nhiệt vừa do độ bazơ.
    - Bỏng do các tia vật lý: bị bỏng do các tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia phóng xạ, tia X. Đây là nhóm nguyên nhân bỏng hiếm gặp trong đời sống.

2. Các cấp độ bỏng

    - Bỏng độ 1 (bỏng bề mặt): chỉ tổn thương ở lớp da ngoài cùng (thượng bị), vùng da bỏng đỏ ửng lên và đau rát. Vết bỏng ở cấp độ này sẽ lành hẳn sau 3 ngày.
     - Bỏng độ 2 (bỏng một phần da): tổn thương ở lớp thượng bị và lớp trung bì. Vùng da bỏng bị đỏ, trắng hoặc đốm đỏ và hình thành túi phỏng nước. Nếu được giữ sạch sẽ và không bị nhiễm trùng, vết bỏng có thể tự lành sau 1 - 4 tuần mà không cần điều trị. Khi tự lành, vết bỏng sẽ không để lại sẹo hoặc có sẹo nhưng không đáng kể. 
     - Bỏng độ 3 (bỏng toàn bộ các lớp da): tổn thương đến lớp mỡ dưới da. Vùng bỏng có thể màu đen, nâu, trắng nhợt hoặc xám lại, khô cứng nhưng không có cảm giác đau đớn. Có thể làm tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê bì. Ở cấp độ bỏng này, vết bỏng thường rất dễ bị nhiễm khuẩn, do đó phải mất một khoảng thời gian dài cho việc hồi phục vết bỏng và có nguy cơ để lại sẹo.


3. Cách sơ cứu khi bị bỏng

     Nguyên tắc chung khi sơ cứu bỏng ban đầu là nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi nguồn bỏng, sau đó ngâm rửa vết bỏng trong nước hoặc xả nước trực tiếp vào vết bỏng, liên tục trong khoảng 30 phút từ sau khi bị bỏng để làm giảm độ sâu của vết bỏng và giảm nhiệt độ bề mặt của da. Nếu để lâu hơn khoảng thời gian trên, việc ngâm rửa ít có tác dụng. 
     Nước để ngâm rửa phải là nước sạch, nhiệt độ tiêu chuẩn từ 16 - 20 độ C. Cần tận dụng nguồn nước có sẵn tại nơi bị nạn vì đây là trường hợp cấp cứu. Lựa chọn nguồn nước sạch như nước đun sôi để nguội, nước mưa, nước máy, nước giếng khoan,… Tuyệt đối không sử dụng nước đá.


     Sử dụng gạc hoặc khăn bông thấm nước đắp vào chỗ bỏng, sau đó băng ép nhẹ bằng băng sạch. Không được băng quá chật vì sẽ gây chèn ép vùng bỏng.
      Dùng thuốc giảm đau: trường hợp đau nhiều tại vết thương, nạn nhân có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol, Ibuprofen…
     Trường hợp bỏng nhẹ, vết bỏng nhỏ, nạn nhân có thể tự điều trị rồi chăm sóc tại nhà. Trường hợp bỏng nặng, vết bỏng lớn, nên làm sơ cứu ban đầu rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.
     Ngoài nguyên tắc chung, sẽ có một nguyên tắc sơ cứu khác nhau cho mỗi nguyên nhân gây bỏng cụ thể:
     - Bỏng điện: lập tức ngắt nguồn điện hoặc cố gắng tách nguồn dẫn điện ra khỏi nạn nhân. Không chạm vào người nạn nhân bằng tay không cho đến khi cắt được nguồn điện. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần làm hô hấp nhân tạo kết hợp ép tim ngoài lồng ngực ngay tại chỗ rồi mới đưa nạn nhân đi cấp cứu.


     - Bỏng hóa chất: cởi bỏ quần áo, rửa hoặc ngâm vết bỏng trong nước khoảng 30 phút để làm loãng nồng độ của hóa chất. Nếu bị bỏng do kiềm thì rửa bằng nước có pha giấm hoặc chanh. Nếu bị bỏng do axit thì rửa bằng nước có pha bicarbonat. Trường hợp mắt bị bỏng do bất cứ loại hóa chất nào gây ra thì chỉ nên rửa mắt bằng nước sạch, ngâm mắt trong nước khoảng 20 phút, sau đó dùng một mảnh vải mỏng để băng mắt rồi đưa nạn nhân tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
     - Bỏng do lửa
      + Trường hợp bỏng do da tiếp xúc trực tiếp lửa: nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nguồn lửa, ngâm vùng da bị bỏng vào nước sạch trong 30 - 45 phút (thường tới khi hết đau rát) để vệ sinh vết thương tránh nhiễm khuẩn. Tuyệt đối không dùng nước đá. Sau đó dùng gạc hoặc vải, khăn mềm để băng vùng da bị bỏng.
      + Trường hợp bỏng do quần áo bị cháy khi tiếp xúc lửa: khi quần áo nạn nhân đang cháy, phải dập tắt ngọn lửa bằng cách lấy chăn trùm lên người nạn nhân hoặc dội nước. Nếu vết bỏng ở mức độ nặng, tuyệt đối không cởi quần áo đã dính vào vết bỏng để tránh bị lột da. Dùng băng y tế hoặc vải sạch che vùng bị bỏng để tránh nhiễm trùng, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện để điều trị.

4. Lưu ý trong sơ cứu khi bị bỏng

     - Không chọc vỡ bóng nước (nốt phỏng) để tránh gây nhiễm trùng.


     - Không chườm đá, ngâm vết bỏng vào trong nước đá vì vùng da bị bỏng sẽ hạ thân nhiệt khi gặp lạnh dẫn đến tình trạng co mạch máu, co cơ sẽ khiến vết bỏng càng nghiêm trọng hơn.
     - Không bôi nước mắm, vắt nước củ chuối hoặc nước củ ráy lên vết bỏng. Việc này chỉ khiến vết bỏng nghiêm trọng thêm.
     - Không bôi kem đánh răng lên vùng bị bỏng, kem đánh răng chứa chất kiềm nhẹ, bôi lên vùng da bị bỏng chỉ khiến nạn nhân đau đớn hơn. 

5. Trường hợp bị bỏng cần phải đến bác sĩ chuyên khoa

     - Bỏng sâu, ảnh hưởng đến tất cả các lớp của da hoặc mô sâu (mỡ, cân mạc, cơ,...).
     - Bỏng ở vùng bàn tay, bàn chân, mặt, bẹn, mông và vùng lớn trên cơ thể hoặc những khớp lớn.
     - Vùng da bị bỏng nhìn như dày lên.
     - Bỏng có mảng đen, nâu hay trắng hoặc bỏng cháy.
     - Bỏng do điện hoặc hóa chất.
     - Bỏng đường thở.

     Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin cần thiết về những tác nhân gây bỏng và Cách sơ cứu khi bị bỏng, giúp bạn đọc có thêm kiến thức cho cuộc sống an toàn và hạnh phúc hơn. 

Hoàng Phương

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn