KIM THÁNH THÁN VỚI LỜI ĐỀ TỰA TAM QUỐC CHÍ

KIM THÁNH THÁN VỚI LỜI ĐỀ TỰA TAM QUỐC CHÍ

[cuocsongviet.vn] (Sau khi được đọc lời phê bình Tam Quốc Chí của Mao Tôn Cương).
Trước đây, ta đã chọn “sáu tài tử thư”Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Ly Tao của Khuất Nguyên, Sử Ký của Tư Mã Thiên, Luật Thi của Đỗ Phủ, Thủy HửTây Sương, rồi lạm hiệu đính phê bình. Hải nội chư quân đều cho là biết nhận xét.
Gần đây ta đọc đến bộ “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa”, thấy rằng chuyện đã căn cứ vào những biến cố lịch sử có thật, không phải do tưởng tượng, so với Kinh sử rất gần. Đủ thấy Tam Quốc Chí là một tác phẩm kỳ diệu đặc biệt.
Có người sẽ hỏi: từ đời Tần Chu về trước, Hán Đường về sau có biết bao chuyện “diễn nghĩa” đã dựa vào lịch sử, có khác chi Tam Quốc Chí, sao lại chỉ có Tam Quốc Chí là diệu kỳ?
Xin thưa rằng: cục diện Tam Quốc đã là một cuộc tranh giành thiên hạ ly kỳ đệ nhất cổ kim, hơn nữa người “diễn nghĩa” Tam Quốc lại là một tiểu thuyết gia kỳ diệu đệ nhất cổ kim. 
Các cuộc tương tranh thiên hạ ở các đời khác chỉ có những việc tầm thường, mà người dựa vào đó để viết nên truyện cũng chỉ là cây bút tầm thường. Như vậy thì so sánh với trường hợp Tam Quốc Chí thế nào được!


Thường khi suy ngẫm cuộc tương tranh thiên hạ đời Tam Quốc, ta vẫn than rằng: vận trời biến chuyển thật không thể nào lường được. Như lúc vua Hiến đế nhà Hán bó tay, Đổng Trác lạm quyền, các tay anh hùng đua nhau nổi dậy, bốn bể chia lìa… giả sử Lưu Hoàng Thúc sớm gặp được tình cá nước Nam Dương, được đất Kinh Châu rồi kéo thẳng lên Hà Bắc, truyền lệnh ra Hoài Nam, kế đến bình định Giang Đông, Tần Ung… thì có phải là một Quan Vũ thứ hai khôi phục nhà Hán không? Thế mà cơ trời lại không thiện biến cho như vậy! Đổng Trác bị giết, thì lại có Tào Tháo hiếp thiên tử để sai khiến chư hầu. Danh dự nhà vua tuy là hư hão, nhưng chính sách vẫn được để nguyên. Lưu Hoàng Thúc phải chạy nạn loanh quanh, chưa gặp dịp tỏ rõ đại nghĩa cùng thiên hạ thì khắp quốc thổ hai bên bờ Nam Bắc đã về tay Ngụy, Ngô nắm giữ, họ Lưu chỉ còn lại một khoảnh nhỏ ở phía Tây Nam làm chỗ trú ẩn. Đã vậy, nếu không được Khổng Minh ra đời, giúp cho một trận Xích Bích phía Đông, vung tay choán một vùng Hán Trung phía Tây, thì các đất Lương, Ích ắt cũng lọt vào tay Tào, mà Ngô cũng không đứng nổi làm một nước độc lập. Như thế có phải Tào Tháo là một Vương Mãn thứ hai cướp hết thiên hạ nhà Hán không? Nhưng cơ trời lại cũng chẳng thiện biến như thế. Sau khi Tào Tháo trốn thoát Hoa Dung lại gặp “gân gà” mà bỏ Hán Trung, thì đành ngồi giữ có một phần thiên hạ và cái thế ba chân vạc mới thành từ đó.
Xét một Tào Tháo, trong đời đầy rẫy tội ác, thần với người đều giận. Nào kẻ truyền hịch kết tội Tháo, nào người chửi rủa Tháo, nào đâm chém, nào phục độc, nào đánh phá, nào đốt lửa, nào bắn tên… Tháo đã từng cụt râu, gãy răng, từng sa hầm, ngã ngựa… chết hụt bao nhiêu lần, mà cuối cùng vẫn thoát chết. Người thù địch Tháo cũng nhiều, kẻ hùa giúp Tháo cũng lắm. Âu đó cũng là ý trời muốn chia ba thiên hạ, nên mới để tên gian hùng sống sót làm tên sâu mọt nhà Hán vậy. Vả lại trời sinh ra Du để làm đối thủ của Lượng, lại sinh ra Ý để kế họ Tào, có lẽ cũng sợ một trong ba chân vạc bị gãy, nên cho nhân tài xuất hiện trùng điệp để cầm giữ lẫn nhau.
Từ xưa, cảnh chia đất đai đã có, cảnh xưng vương xưng bá từng phương đã có: nào thiên hạ chia mười hai nước, nào chia bảy nước, chia mười sáu nước… nào thời Nam Bắc triều, nào Đông Tây Ngụy nào tiền hậu Hán… nhưng khi được, khi thua hoặc còn hoặc mất… nhà nào bền lắm thì được một đời, chóng thì không đầy một năm, dăm bảy tháng. Chứ chưa bao giờ có cái cảnh chia cắt suốt sáu mươi năm, khi lên, cùng lên, khi mất, cùng mất như cái cục diện ly kỳ của ba nước Ngụy, Ngô, Thục vậy.


Nay xem cái kỳ diệu văn diễn nghĩa Tam Quốc, thấy rằng sách này bực học sĩ thượng lưu trí thức đọc đến phải thích thú, mà người làng quê xóm nhỏ, ít học đọc đến cũng thích thú. Anh hùng hào kiệt đọc mà thích thú. Tục tử phàm phu đọc đến cũng thích thú.
Xưa, Khoái Thông xui Hàn Tín dựng nghiệp độc lập đã đưa ra lý thuyết “Tam phân”. Nhưng bấy giờ Tín đã làm tôi Hán vì nghĩa không thể bội. Hạng Vũ thì thô bạo vô mưu có mỗi một mưu sĩ Phạm Tăng mà cũng không biết dùng, thế tất thiên hạ phải gồm thâu vào một nhà Hán, vì Hán có đủ mưu thần võ tướng hiệp lực đồng tâm. Thì ra cái thiên cơ chia ba đã có điểm mờ mờ báo trước từ lúc nhà Hán mới lên, và đến khi Hán suy đồi thì thiên cơ suy đồi rõ rệt. Và cao tổ xưng vương ở đất Hán để rồi hưng đế nghiệp, tiên chúa lại xưng vương ở đất Hán để rồi mất nghiệp. Một bên dẹp yên được “Tam Tần”. Một bên chẳng khôi phục trung nguyên được thước tấc… có lẽ trời xanh kia tạo ra nhà Hán muốn cho nổi lên như thế, rồi bắt phải chấm dứt như kia, và sớm đã bày sẵn cuộc cờ huyền ảo… cho nên những nhân vật, những biến cố từ đời Tam Quốc mỗi người một tài mỗi người một vẻ, bờ cõi riêng biệt vững bền… khác hẳn muôn đời như vậy. Đó chẳng phải là việc tối kỳ diệu của hóa công sao.
Người viết Tam Quốc diễn nghĩa đã dùng cái kỳ diệu của văn chương mà ghi lại cái kỳ diệu của sự việc, lại không xuyên tạc, chỉ đem sự có thực chắp nối lại đầu đuôi thứ tự. Đây là điều kỳ diệu chưa từng thấy trong nhân sự cổ kim.
Một cục diện ly kỳ như thế, một cuốn sách kỳ diệu như thế lẽ nào không có ai đem ra bình luận, nhưng nếu người đem ra bình luận mà chẳng phải người “Cẩm tâm tú khẩu” không thể vì người xưa nhất nhất truyền lại đúng tâm tư người xưa… thì bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa này rốt cuộc cũng như những bộ sách diễn nghĩa từ Chu Tần về trước, Hán Đường về sau mà thôi. Hậu thế làm sao thấy rõ cái kỳ diệu và nhận chân được cái kỳ diệu?
Ta vẫn muốn tìm ra cái kỳ diệu của bộ truyện này để nêu lên cho đời sau suy ngẫm nhưng còn đang băn khoăn chớ chưa nghĩ dứt, bỗng một hôm đến nhà bạn thấy trên án có bản cáo “Phê bình Tam Quốc Chí” của Mao Tử. Nhận thấy bút mực ấy quả là tinh vi, tâm tư ấy quả là thâm linh, lòng ta tán đồng ngay, và một lần nữa, ta lại thấy thích thú mà khen rằng: suy đi nghĩ lại “đệ nhất tài tử” quả là Tam Quốc Chí.
Vậy nay ta để mấy lời tựa này, trao cho Mao Tử vào ngày khắc bản, để in vào đầu sách, cho đời sau đọc đến biết rằng ta với Mao Tử đồng tâm nhất trí.

Kim Thánh Thán
(Đề ngày mồng một tháng Chạp năm Giáp Thân, niên hiệu Thuận Trị đời Thanh)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn