CÁCH TỎ TÌNH TINH TẾ TRONG BÀI CA DAO - Công Nguyễn

 
CÁCH TỎ TÌNH TINH TẾ TRONG BÀI CA DAO - Công Nguyễn

Mình nói dối ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước tắm cho con mình.
     Lời trách móc “mình nói dối ta mình hãy còn son” ở câu đầu bài ca dao chưa hẳn là sự giận hờn, bực bội. Trách sao mà cách xưng hô “mình - ta” thân thiết, gần gũi đến thế? Trách sao mà giọng nói ngọt ngào và êm ái đến thế? Đây là kiểu trách yêu. Biết bị lừa nhưng sung sướng khi được lừa, sẵn sàng chấp nhận bị lừa! 
     Từ kiểu xưng hô “ta - mình” hết sức gắn bó tình cảm trong quan hệ nam nữ đến việc thông hiểu “đường đi nước bước” nhà nàng (ta đi qua ngõ) của chàng thanh tân, cho biết họ hiểu nhau, biết rõ nhau, thân thiết nhau từ lâu. Chàng biết nhà nàng, biết hoàn cảnh nàng và giờ đây chứng kiến con nàng đang bò lê dưới đất, lấm lem “những trấu cùng tro” chứ không phải mới gặp nhau trong thoáng chốc, bị mê hoặc bởi nhan sắc và “lời nói như ru” của nàng.
     Hành động của chàng trai từ “nói”, “đi qua”, nhìn “thấy” ở ba câu đầu đã chuyển sang “làm” ở câu cuối: “Ta đi xách nước tắm cho con mình”. Đây là hành động cao thượng và đầy lòng nhân ái đối với đứa con bị bỏ rơi của người mình yêu. Chàng trai chấp nhận và chăm sóc đứa con riêng của người yêu như con của mình. 
     Chữ “mình” là điểm sáng tạo nên sự thú vị nhất cho bài ca dao. Chữ “mình” không những được lặp lại đến 5 lần, có mặt trong tất cả các câu mà còn là từ khởi đầu và kết thúc bài ca dao. Mặt khác, từ “mình” ở bốn lần đầu chỉ người con gái, ngôi thứ hai số ít: “mình nói dối” (em nói dối), “con mình” (con của em). Từ “mình” (con mình) ở câu thứ 4 tạo nên sự đa nghĩa. Nghĩa dễ nhận thấy nhất là con của nàng (con của mình); nghĩa thứ hai là con của chàng trai (con của chính bản thân mình) và nghĩa thứ ba là con chung của cả hai người (con của chúng mình). Lúc này, “mình” là em, là ta, là chúng ta, thuộc ngôi thứ nhất số nhiều.
     Quá trình chuyển hoá mối quan hệ giữa người con trai với người con gái từ lời trách yêu ở câu đầu đến sự khẳng định con nàng cũng ở câu cuối là con ta là cách tỏ tình rất tinh tế, sâu sắc và thật cảm động”.
     Cả bài ca dao không hề có từ yêu, từ thương hoặc lời tỏ tình, lời cầu hôn nhưng người trong cuộc (cô gái có đứa con riêng) và độc giả đều biết rõ chàng trai đang cầu hôn, đang mong muốn được “rước nàng về dinh” cùng nhau chăm sóc cháu bé những trấu cùng tro. Dù cô gái chỉ lắng nghe, không thốt lên lời nào nhưng lòng nàng bồi hồi, xao xuyến. Những dòng nước mắt rưng rưng cảm động bỗng trào ra, lăn dài trên má.  
Công Nguyễn 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn