Vảy nến là một bệnh viêm da mãn tính do tự miễn khá phổ biến. Theo thống kê, có khoảng 2 – 3 % dân số thế giới với hơn 125 triệu người mắc bệnh vảy nến, trong đó có hơn 2,5 triệu người Việt Nam. Vảy nến tuy không lây nhiễm nhưng có yếu tố di truyền trong gia đình và tỷ lệ di truyền không cao. Cuộc Sống Việt mời bạn đọc cùng tìm hiểu về Vảy nến - Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa qua bài viết sau đây:
1. Bệnh vảy nến là gì?
Các tế bào da trong cơ thể con người luôn luôn được thay mới. Sự thay thế tế bào da cũ bằng tế bào da mới ở người mắc bệnh vảy nến diễn ra nhanh gấp 10 lần so với người bình thường. Do hiện tượng tăng sinh tế bào da mới, các tế bào da cũ được loại bỏ liên tục khiến cơ thể người bệnh gần như không kịp thích ứng nên các tế bào da cũ tích tụ lại một chỗ hình thành những mảng dày trên bề mặt da, có vảy trắng hoặc bạc, đó là vảy nến.
Người bệnh vảy nến phải chịu đau đớn, ngứa ngáy âm ỉ tại vùng da bị thương tổn. Vảy nến là bệnh lành tính, không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình mà còn dẫn đến những biến chứng về tim mạch, tiểu đường, xương khớp nếu không điều trị kịp thời.
Người bệnh thường có những đợt bùng phát kéo dài xen kẽ những giai đoạn ổn định, dai dẳng suốt đời. Bệnh thường xảy ra theo chu kỳ, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên các biện pháp điều trị có thể giảm nhẹ bệnh và kiểm soát được triệu chứng bệnh. Tỷ lệ người mắc bệnh vảy nến hiện nay đang ngày càng gia tăng với nhiều dạng bệnh khác nhau.
2. Nguyên nhân của bệnh vảy nến
Đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân của bệnh vảy nến, bệnh không do vi khuẩn, virus hay các dị nguyên tác động từ bên ngoài gây ra, bệnh là tình trạng cơ thể tự miễn. Tuy nhiên khoa học khẳng định rằng bệnh có liên quan mật thiết đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và dấu ấn của cytokine. Theo quá trình đó, các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể người bệnh bị những tế bào lympho T nhầm là kẻ thù và tấn công khiến các tế bào khỏe mạnh này bị tổn thương. Những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy vảy nến tăng trưởng gồm có:
- Yếu tố di truyền: vảy nến được phân chia thành hai dạng chính là vảy nến khởi phát sớm và vảy nến khởi phát muộn. Vảy nến khởi phát sớm xảy ra ở người từ 16 đến 22 tuổi, dạng vảy nến này có khuynh hướng lan rộng toàn thân và diễn tiến bất ổn. Vảy nến khởi phát muộn xảy ra ở người độ tuổi từ 50 đến 57 hoặc đến 60, dạng vảy nến này nhẹ hơn và khu trú hơn ở những vùng cơ thể nhất định;
- Yếu tố ngoại sinh: các tác động của môi trường bên ngoài có thể làm khởi phát bệnh vảy nến ở những người có sẵn yếu tố di truyền tiềm tàng hoặc có thể làm bệnh trở nặng hơn. Những yếu tố ngoại sinh gây bệnh vảy nến bao gồm: chấn thương, bỏng nắng, nhiễm trùng da, phẫu thuật, stress kéo dài, tác dụng phụ của thuốc (những loại thuốc như Beta Blockers, Corticosteroid… nếu sử dụng trong thời gian dài có khả năng gây bệnh vảy nến).
3. Triệu chứng của bệnh vảy nến
Triệu chứng của bệnh vảy nến là trên vùng da bị tổn thương nổi các lớp vảy trắng bạc bao phủ những mảng dày đỏ bên trong; da khô, nứt nẻ, ngứa ngáy có khi đau nhứt và chảy máu. Vị trí hình thành vảy nến thông thường là đầu gối, khủy tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, thân mình và phần rìa da đầu.
Vảy nến được phân loại thành các thể như sau:
- Vảy nến thể mảng (plaque psoriasis): đây là thể phổ biến nhất, bệnh hình thành những mảng da khô, sần, đỏ, có vảy bạc, có thể gây cảm giác ngứa ngáy và đau nhức. Những vùng da bị ảnh hưởng khá nhiều là khuỷu tay, đầu gối, vùng lưng dưới và da đầu.
- Vảy nến thể giọt (guttate psoriasis): bệnh thường được gây ra từ một dạng nhiễm khuẩn, ví dụ như viêm họng do liên cầu khuẩn. Vảy nến thể này là các tổn thương da hình giọt nước, nhỏ, có vảy, thường gặp ở vùng thân mình, cánh tay và chân.
- Vảy nến thể mủ (pustular psoriasis): đây là thể hiếm gặp, hình thành các tổn thương dạng mụn mủ, xảy ra trên một mảng rộng (toàn thân) hoặc ở những khu vực nhỏ như lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Vảy nến móng (nail psoriasis): vảy nến xảy ra ở vùng móng tay và móng chân, gây lõm hoặc tạo nên các đường rãnh trên móng, làm biến đổi hình dạng hoặc màu sắc của móng. Đôi khi khiến móng bị lỏng và bong ra khỏi giường móng. Nếu nghiêm trọng sẽ làm cho móng bị giòn và dễ gãy.
- Vảy nến dạng đỏ toàn thân (generalized erythrodermic psoriasis): đây là thể ít gặp nhất, vảy nến lan rộng trên toàn bộ cơ thể theo dạng phát ban da đỏ, bong tróc da, gây ngứa ngáy hoặc nóng rát dữ dội.
- Vảy nến đảo ngược (inverse psoriasis): thể này xảy ra chủ yếu ở những vùng có nếp gấp như vùng háng, mông hay ngực. Bệnh hình thành những mảng da đỏ ửng, mịn màng và sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu có mồ hôi hoặc ma sát. Người bị nhiễm nấm có thể dẫn tới vảy nến đảo ngược.
- Vảy nến viêm khớp (psoriasis arthritis): thể này làm sưng, đau khớp và các triệu chứng viêm khớp điển hình.
Vảy nến không lây nhiễm cho những người tiếp xúc và cũng không lây lan sang vị trí khác trên cơ thể người bệnh.
4. Điều trị bệnh vảy nến
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của các biện pháp điều trị vảy nến là hỗ trợ giảm viêm, ngăn chặn sự tăng trưởng quá nhanh của các tế bào da và loại bỏ vùng da bị vảy. Sau đây là các biện pháp điều trị bệnh vảy nến:
- Điều trị tại nhà: trường hợp vảy nến nhẹ hoặc trung bình. Một số loại thuốc thường được dùng để thoa như: acid salicylic, corticosteroid, retinoid, hắc ín, anthralin, ức chế calcineurin, dẫn xuất vitamin D3.
- Điều trị toàn thân: trường hợp vảy nến nặng. Một số loại thuốc như: methotrexate, cyclosporine và sulfasalazine.
- Quang trị liệu: sử dụng tia sáng như tia UVA, UVB, laser với cường độ cao để điều trị vảy nến. Tia tử ngoại (tia UV) sẽ tấn công các DNA trong tế bào và tiêu diệt các tế bào ở vùng da bị tổn thương.
- Dùng thuốc sinh học ức chế các thành phần chuyên biệt trong đáp ứng miễn dịch: biện pháp này chưa được sử dụng rộng rãi do giá thành của các loại thuốc khá cao.
Tỷ lệ tái phát bệnh vảy nến sau khi ngưng thuốc xảy ra cao nếu người bệnh không tuân thủ liều dùng theo đúng chỉ định. Một số loại thuốc có nhiều tác dụng phụ và độc tính, vì vậy bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
5. Phòng ngừa bệnh vảy nến
Để phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của bệnh vảy nến, phải giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như thói quen sinh hoạt lành mạnh hằng ngày:
- Khám da liễu định kỳ.
- Nên đi khám nếu phát hiện dấu hiệu của nhiễm khuẩn da, mụn mủ trên da, đặc biệt có kèm sốt, đau nhức cơ hoặc sưng tấy.
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia.
- Không để da bị khô và tổn thương.
- Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ.
- Bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm có omega-3 và acid folic.
- Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.
- Không để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu.
- Giữ trạng thái tinh thần không bị trầm cảm hay lo lắng quá mức.
Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin cần thiết về bệnh Vảy nến - Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa, giúp bạn đọc trang bị thêm nhiều điều hữu ích cho cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.
Phương Thanh