HỒI ỨC VỀ BỐ

HỒI ỨC VỀ BỐ
    
    Trong cuộc sống, hầu hết mọi người thường có cho mình một hình mẫu cụ thể nào đó bằng xương bằng thịt, để họ ước ao, ngưỡng mộ và noi theo. Tôi thì ít khi thần tượng một ai, bởi có lẽ đức tính giản dị và khiêm nhường của bố đã khiến cho tôi luôn soi vào, để mà cố gắng, để mà quyết tâm, để mà có thể vượt qua được những khoảnh khắc yếu lòng nhất. Chình vì thế mà ký ức về bố sẽ mãi mãi chẳng bao giờ phai lạt trong trái tim tôi.

    Ngày nhỏ vì nhà nghèo nên 8 tuổi bố đã phải đi ở đợ. Chăn trâu, cắt cỏ và làm bao công việc nặng nhọc khác, nhưng bố chỉ được ăn no trong những giấc mơ chập chờn về sáng. Có lần, khi cả nhà đang ăn cơm, bố đã ứa nước mắt kể rằng: “Vì đói quá bố đã xin chủ thêm chút cơm, nhưng người ta đã nhẫn tâm úp cái bát xuống và xới cơm vào chôn bát…”. Hình ảnh đó đã ám ảnh bố để bố luôn cố gắng vươn lên trong một tuổi thơ nghèo khó và tủi cực. Đến tuổi trưởng thành, khi đang là sinh viên trường Thương Nghiệp (Nay là Đại học Thương Mại), theo tiếng gọi của Tổ Quốc, bố đã lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp và có mặt trực tiếp trong “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”. Để rồi đánh đổi bằng rất nhiều xương máu của đồng đội, vào một ngày đầu tháng 5 năm 1954, bố đã cùng hàng vạn những người lính khác vỡ òa hạnh phúc trong một chiến thắng từng làm “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hòa bình lập lại, lịch sử dân tộc đã bước sang một trang mới. Bố phục viên, đi học tiếp rồi về công tác tại Ty Thương Nghiệp của tỉnh. Những năm tháng đó đất nước đang sống trong thời kỳ bao cấp, người dân muốn mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm đều phải xếp hàng và mua bằng tem phiếu. Làm cán bộ trong một ngành được coi là hot nhất thời bấy giờ, nhưng bố và các cô chú đồng nghiệp vẫn luôn mẫn cán và liêm khiết. Đối với xã hội hôm nay có thể điều đó là lạ, nhưng tôi tin rằng những ai đã từng sống cùng thế hệ với bố, chắc chắn mọi người cũng đều sẽ cho đó là điều bình thường – Một thời đại đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, nhưng thời đại đó đã sản sinh ra một thế hệ như bố thật đáng trân trọng lắm thay!

    Tôi vẫn còn nhớ như in caí thời tôi bé tí xíu, thỉnh thoảng cuối tuần bố lại đạp xe từ cơ quan về thăm mẹ con tôi. Dù đang chơi với lũ trẻ con cùng xóm ở tận đâu, nghe tin bố về là tôi liền chạy như bay về nhà. Bố hay mua đồ chơi cho tôi và chị Thắm, rồi bố chia cho chị em tôi những cái kẹo nho nhỏ xinh xinh, nhưng ăn thì cảm thấy ngon vô cùng. Buổi tối, thường sau chương trình “Những bông hoa nhỏ”, bố ngồi vào bàn kèm tôi học chữ. Bố chính là người thầy giáo đầu tiên trong đời dạy tôi biết những chữ cái a bờ cờ. Chính vì vậy, thay vì 6 tuổi mới đi học như những đứa trẻ khác trong xóm, 5 tuổi tôi đã được bố cho đi học lớp “vỡ lòng” của cô giáo Luân, để rồi suốt những năm tháng học phổ thông, tôi luôn là đứa ít tuổi nhất trong lớp. Kỷ niệm tuổi thơ của tôi về bố thì còn nhiều lắm, nhưng tôi vẫn thích và nhớ nhất là bố đặt báo “Thiếu niên tiền phong” cho chị em tôi, hàng tuần có chú giao thư báo đạp xe đến tận nhà để phát. Có lẽ nhờ những trang báo đầy sắc màu cùng những kiến thức phong phú từ thuở ấy, đã gieo dần vào tôi tình yêu văn hóa đọc và sự yêu thích chữ nghĩa văn chương cho đến tận bây giờ. Chả biết các anh chị tôi thế nào, nhưng ngày bé tôi thấy hãnh diện lắm lắm vì có bố làm “cán bộ thoát ly”. Đi đến đâu tôi cũng được nghe những người lớn trong làng nói những câu ngưỡng mộ về bố… 

    Thế rồi, những biến cố về sức khỏe đã tạo ra một bước ngoặt và vô tình ngáng trở sự nghiệp đang tươi sáng của bố. Bốn lần lên bàn mổ và phải cắt mất một quả thận, hàng ngày phải đeo ống xông bên mạn sườn suốt nhiều năm trời, nhưng ý chí kiên cường của một người lính cụ hồ đã kinh qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, luôn giúp bố có sức mạnh để không bao giờ gục ngã. Bố chấp nhận nghỉ sớm chế độ để về quê lo việc đồng áng cùng mẹ. Từ một cán bộ của tỉnh, bố lại phải làm quen với nhịp sống của những người nông dân một nắng hai sương. Yếu sức khỏe là vậy nhưng bố vẫn không nề hà một việc gì cả. Từ phun thuốc sâu, thồ lúa, tát nước… đến cả việc cày bừa. Tôi nhớ mỗi mùa gặt đến, giữa trời nắng chang chang, nhìn từ xa, bố tôi nhỏ thó trong bộ quần áo bộ đội đã bạc màu, bố xăng xái ra đồng thồ lúa về cho mẹ, rồi cũng một tay bố tuốt lúa, phơi thóc, phơi rơm. Anh chị em chúng tôi đều còn nhỏ và còn đi học ở các cấp, thỉnh thoảng đi học về, bố nhờ phụ việc nọ việc kia đôi khi còn tỏ thái độ không vui vẻ. Sau này lớn lên, chúng tôi nghĩ lại thấy ân hận và thương bố vô cùng. Những năm đầu tiên khi bố mới nghỉ mất sức về sống tại quê, dân làng nhiều người thấy bố ít nói nên rất ngại tiếp xúc. Sau họ quen dần rồi hiểu ra rằng bố cũng không khó gần như họ vẫn nghĩ. Bố còn tham gia sinh hoạt chi bộ cũng như các phong trào khác tại địa phương, những năm tháng ấy, tôi thấy bố như trẻ lại, xông xáo, vui vẻ và luôn phấn khởi. 

    Những năm 80, 90 của thế kỷ 20, khi xã hội mới bước qua thời kỳ bao cấp nên đời sống còn muôn vàn khó khăn, ngoài công việc làm nông nặng nhọc thì gia đình tôi còn có thêm nghề làm bún. Mà ngày đó tất cả các công đoạn làm ra sợi bún trắng ngần, mềm mại đều làm thủ công, chứ không được máy móc hỗ trợ như bây giờ nên vất vả lắm. Bún được làm thành phẩm từ chiều tối hôm trước thì 3,4 giờ sáng hôm sau, mẹ đã phải gánh bộ đến các làng xã khác, cách xa cả chục cây số để đổi lấy thóc, rồi lại tiếp tục một công đoạn mới từ hạt thóc biến thành sợi bún đầy nhọc nhằn của những người nông dân. Không hiểu sao, khi tôi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi vẫn như đang nhìn thấy giọt mồ hôi thánh thót rơi trên vầng trán cao của bố, nhìn thấy rõ cả lưng áo mẹ ướt sũng mồ hôi, bên thúng bún đang bốc hơi nghi ngút trong gian bếp nhỏ thủa nào. Bất giác sống mũi tôi chợt thấy cay cay khi nhớ về một thời cơ cực nhưng hạnh phúc đủ đầy của gia đình tôi ngày ấy… 

    Bố là người hiền từ nhưng rất nghiêm khắc. Bởi vậy, thủa nhỏ anh chị em chúng tôi luôn được bố dạy dỗ lễ nghĩa đủ đầy. Bố từng nói “Dù sau này các con có đi nhiều nơi, học được nhiều điều văn minh tiến bộ trên thế giới, nhưng các con vẫn phải luôn nhớ đạo nhà. Không phải ngẫu nhiên mà mâm cơm truyền thống của người Việt Nam từ bao đời nay, dù bao nhiêu món, dù mấy người ngồi, thì vẫn chung nhau một bát nước mắm”. Lời bố dạy thật giản đơn nhưng lại vô cùng sâu sắc, để rồi khi đã trưởng thành, anh chị em chúng tôi đều thấy thấm thía mà tự sửa mình. Chúng tôi còn học được từ bố đức tính cẩn thận và sự gọn gàng, ngăn nắp. Bố luôn dạy “đồ gì lấy ở đâu, khi làm xong việc thì phải để vào đúng vị trí đó, lần sau muốn lấy thì đỡ mất công đi tìm”. Rồi việc “muốn cho cơm nấu vừa nước thì khi đổ nước vào nồi, hãy để úp bàn tay xuống bề mặt gạo, nước ngập xâm xấp mu bàn tay là vừa đủ”…Bố luôn dạy anh chị em chúng tôi phải luôn biết cố gắng, sống tự trọng và tự lập, nếu vấp ngã phải biết tự đứng lên. Sống phải biết yêu thương và chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Rồi bố còn dạy thêm nhiều những việc khác nữa…, tuy rất nhỏ, nhưng đã giúp anh chị em chúng tôi khôn lớn và trưởng thành lên mỗi ngày. 


    Thời gian cứ chầm chậm trôi trên mái tóc bạc dần của bố, anh chị em chúng tôi thì cũng đều đã có gia đình riêng. Tôi lại lập nghiệp ở nơi xa nên thỉnh thoảng mới có điều kiện về thăm bố mẹ được. Mỗi lần về sau này, tôi thấy bố như trầm tính hơn, bố hay ngồi suy tư và hướng ánh nhìn xa xăm qua khung cửa nhỏ. Có thể qui luật tự nhiên của tuổi già là vậy, nhưng tôi đoán trong những lúc ấy, kí ức vẹn nguyên về những năm tháng bố đã từng sống, đã từng đi qua lại lần lượt hiện về trong bố. Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng mà bố được nhận đã minh chứng cho cả cuộc đời phấn đấu bền bỉ, tuy nhọc nhằn nhưng đầy vinh quang mà anh chị em chúng tôi luôn tự hào về bố. Mặc dù giờ bố đã đi xa, nhưng sự đức độ nhân từ của bố sẽ luôn là hành trang theo anh chị em chúng tôi đi suốt cuộc đời. Mẹ tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng mỗi khi sum họp gia đình và nhắc nhớ về bố, mẹ lại rưng rưng nói với con cháu rằng “mấy chục năm làm vợ ông ấy, chưa khi nào ông ấy nói nặng với tôi một câu”. Vâng, nhân cách của bố cùng hạnh phúc của bố mẹ chính là niềm tự hào của anh chị em chúng tôi, để chúng tôi luôn soi vào mà học tập.

Dương Hùng

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn