Đậu bắp còn có các tên gọi khác là cà bắp, mướp tây, bắp chà, bông vàng, còi bắp, gôm, thảo cà phê… là một loài cây có hoa và quả, giàu dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, giúp cơ thể ngăn ngừa và điều trị một số bệnh. Cuộc Sống Việt mời bạn đọc cùng tìm hiểu về Đậu bắp – Công dụng của đậu bắp đối với sức khỏe qua bài viết sau đây:
1. Giới thiệu đậu bắp
Đậu bắp là một loài cây ăn quả, cao trung bình 2,5m, được trồng thành cây một năm hoặc cây nhiều năm. Hoa đậu bắp có 5 cánh màu vàng hoặc trắng với đường kính từ 4 đến 8 cm, tại phần gốc mỗi cánh hoa thường có các đốm đỏ hoặc tía. Lá dài, rộng khoảng 10 – 20 cm, xẻ thùy chân vịt từ 5 – 7 thùy. Quả đậu bắp là dạng quả nang dài từ 10 đến 20 cm, bên trong có nhiều hạt màu trắng.
Đậu bắp có nguồn gốc Tây phi, danh pháp hai phần là Abelmoschus esculentus, chủ yếu được trồng ở các vùng ôn đới và nhiệt đới do có khả năng chịu khô hạn và nắng nóng rất tốt, được trồng nhiều nhất ở miền Nam nước Mỹ. Đậu bắp cũng được trồng nhiều ở nước ta nhưng chủ yếu là ở các tỉnh miền Nam.
Quả đậu bắp không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao, đặc biệt tốt cho sức khỏe. Ngày nay, quả đậu bắp rất được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi, được chế biến làm thức ăn trong những bữa cơm hằng ngày ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
2. Công dụng của đậu bắp đối với sức khỏe
Đậu bắp chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như Protein, Vitamin A, E, B, K, Sắt, Kali, Kẽm, Mangan, Magie, Canxi, chất khoáng, chất nhầy, đặc biệt chứa nhiều chất xơ… Ngoài ra đậu bắp có nhiều công dụng sau đây:
- Điều trị bệnh tiểu đường: đậu bắp chứa một số chất như insulin có khả năng giảm lượng đường trong máu, vì vậy để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, có thể bổ sung nước ép đậu bắp vào thực đơn hằng ngày.
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa và điều trị bệnh táo bón: công dụng chính là nhuận trường, chất nhầy trong đậu bắp có công dụng bôi trơn đường ruột và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột, chất xơ điều hòa nồng độ cholesterol trong máu hỗ trợ ngăn ngừa bệnh táo bón, chất nhầy cùng với chất xơ cải thiện sự hấp thu của ruột non giúp cân bằng lượng đường huyết. Ngoài ra chất xơ có khả năng liên kết với các độc tố làm hạn chế nhu động ruột.
- Ngừa bệnh thiếu máu: các chất dinh dưỡng Canxi, Sắt, Kali, Kẽm, Magie, Mangan, Vitamin B, K… tạo ra nhiều tế bào hồng cầu tái tạo lượng máu cho cơ thể. Uống nước ép đậu bắp thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
- Điều trị bệnh loãng xương: hàm lượng Vitamin K và Folate dồi dào trong đậu bắp làm tăng mật độ xương, phòng bệnh loãng xương, ổn định các khớp giúp xương chắc khỏe hơn.
- Điều trị bệnh hen suyễn: hàm lượng cao Vitamin C và các chất chống oxy hóa trong đậu bắp có khả năng giảm thiểu các vấn đề của đường hô hấp như hen suyễn.
- Làm đẹp da: thường xuyên ăn đậu bắp hoặc uống nước ép đậu bắp giúp tăng cường sức khỏe làn da, các chất oxy hóa giúp thanh lọc máu, loại bỏ mụn trứng cá và đẩy lùi một số bệnh da liễu.
- Trị ho và viêm họng: đậu bắp có tính kháng khuẩn và khử trùng, nước ép đậu bắp được dùng để hỗ trợ điều trị ho và đau họng.
- Tăng cường thị lực: trong mỗi 100g đậu bắp chứa 310mg caroten và 52mg Vitamin A hỗ trợ mắt tăng cường thị lực, phòng ngừa nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng.
- Ngừa khuyết tật thai nhi: đối với phụ nữ mang thai, đậu bắp chứa nhiều acid folic giúp phòng ngừa một số bệnh như khuyết tật ống thần kinh, làm giảm tỉ lệ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Tuy nhiên, sản phụ chỉ nên dùng đậu bắp với một lượng nhỏ.
- Hỗ trợ não bộ: chất polyphenol trong đậu bắp có khả năng cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa lão hóa và chống viêm.
- Hỗ trợ thận: đậu bắp có công dụng lợi tiểu, tăng khả năng giải độc của thận, đào thải lượng nước dư thừa, ngăn ngừa tình trạng đầy hơi.
- Phòng ngừa ung thư: chất chống oxy hóa trong đậu bắp có công dụng chống lại các gốc tự do (một trong những tác nhân gây ung thư), lectin trong đậu bắp làm cản trở tốc độ tăng trưởng của các tế bào ung thư.
- Tăng cường hệ miễn dịch: hàm lượng Vitamin C và chất chống oxy hóa dồi dào trong đậu bắp hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây cảm lạnh và cúm thông thường.
3. Lưu ý ki sử dụng đậu bắp
- Không cần gọt vỏ hoặc bỏ hạt khi sử dụng.
- Không sử dụng đậu bắp nếu đã từng bị dị ứng.
- Không nên nấu kĩ quá chín để tránh mất chất nhầy và bảo toàn chất dinh dưỡng trong đậu bắp.
- Những người có tiền sử bệnh sỏi thận nên hạn chế ăn đậu bắp hoặc cân nhắc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Hàm lượng fructose cao trong đậu bắp có thể dẫn đến đầy hơi hoặc tiêu chảy, vì vậy người bị bệnh đường ruột hoặc mắc chứng ruột kích thích không nên sử dụng đậu bắp.
- Đậu bắp là thực vật thuộc tính hàn nên những người thể trạng kém, thường bị đau bụng không nên sử dụng quá nhiều.
Cuộc Sống Việt chân thành cảm ơn bạn đọc đã xem bài viết. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin cần thiết về Đậu bắp – Công dụng của đậu bắp đối với sức khỏe, giúp bạn đọc trang bị thêm nhiều điều hữu ích cho cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.
Thiên Thanh